Lượt xem: 327

Sóc Trăng vận dụng quan điểm về con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững

Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, niềm tin, ý chí, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, với dân tộc, với nhân dân, với Đảng và sự nghiệp cách mạng. Vì muốn tìm sự tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho những người cùng khổ mà Hồ Chí Minh đã hiến cả đời mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. 

    Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc xây dựng con người xã hội chủ nghĩa luôn là công việc quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp của chúng ta. Vì vậy, nội dung chủ yếu bản Di chúc viết tay năm 1968 (mà Hồ Chí Minh ghi là “thêm mấy điểm” vào trong thư này - tức bản Di chúc đánh máy tháng 5- 1965) viết về sự hy sinh của những con người, những thành phần xã hội khác nhau và chính sách của Đảng, Nhà nước đối với họ sau kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Và công việc đầu tiên sau khi cách mạng thành công đó là “đối với con người”[1]. Đó là những thành phần xã hội, những con người rất cụ thể đã từng hy sinh tài sản, xương máu cho kháng chiến, những nạn nhân của xã hội cũ,…

Nuôi bò là một trong những mô hình kinh tế giảm nghèo hiệu quả trong đồng bào Khmer. Ảnh soctrang online

    Nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi áp bức để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của con người là công việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu trọn đời. Người chỉ rõ, nhân dân lao động là lực lượng vĩ đại từng bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, đã bao đời chịu đựng gian khổ, đã trải qua biết bao hy sinh trong hai cuộc chiến tranh cho nên mặc dù đã thoát khỏi áp bức của đế quốc nhưng họ đang còn thiếu thốn và thường xuyên bị đói nghèo đe dọa. Do đó, lãnh đạo tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống - xóa đói giảm nghèo cho mọi người dân phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng ta sau ngày đất nước được thống nhất. Do vậy, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm tựa vững chắc và những định hướng cho Đảng và Nhà nước ta hoạch định đường lối, chính sách để khôi phục và xây dựng đất nước, trong đó có “kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, mà sau này Đảng và Nhà nước ta xây dựng thành “Chiến lược, Chương trình xóa đói giảm nghèo” một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

    Cùng nhau thực hiện mục tiêu quốc gia của Đảng và Nhà nước ta, tỉnh Sóc Trăng với diện tích hơn 3.311 km2, dân số gần 1,3 triệu người, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố (Sóc Trăng), 02 thị xã (Ngã Năm, Vĩnh Châu) và 8 huyện (Châu Thành, Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Trần Đề). 

    Dân cư Sóc Trăng chủ yếu là ba dân tộc Kinh (836.513 người, chiếm 65,16%), Khmer (371.305 người, chiếm 28,92%), Hoa (75.534 người, chiếm 5,88%) đã cùng chung sức khai phá, xây dựng và bảo vệ vùng đất này. Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm ngày càng được củng cố bền vững. Trong năm 2018, các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp tục được đầu tư có hiệu quả. Theo kết quả điều tra, rà soát đến cuối năm 2018, số hộ thoát nghèo: 11.440 hộ, số hộ thoát cận nghèo: 9.324 hộ; số hộ nghèo phát sinh: 279 hộ, số hộ cận nghèo phát sinh: 6.890 hộ. Tổng số hộ còn lại qua điều tra, rà soát.

    Tổng số hộ nghèo: 27.154 hộ, tỷ lệ 8,40% (giảm 3,45% so với năm 2017). Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer: 13.013 hộ, tỷ lệ 12,98% (giảm 4,97% so với 2017) Tổng số hộ cận nghèo: 38.401 hộ, tỷ lệ 11,87% (giảm 0,76% so với năm 2017). Trong đó, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer: 15.250 hộ, tỷ lệ 15,21% (giảm 0.56% so với năm 2017)[2].

    Kết quả công tác giảm nghèo ở tỉnh Sóc Trăng thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách. Tuy tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo rất lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm so với tổng số hộ thoát nghèo còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; các chương trình dự án, công trình về cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật không kịp thời triển khai; sự phối hợp, trao đổi thông tin báo cáo tình hình triển khai các chương trình, dự án và chính sách liên quan đến mục tiêu giảm nghèo giữa các ngành, các cấp chưa kịp thời theo đúng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Giảm nghèo các cấp.

Nhờ được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất theo Chương trình 135, nhiều hộ Khmer vươn lên thoát nghèo. Ảnh soctrang online

    Thời gian tới, Sóc Trăng đã tích cực, chủ động trong việc lồng ghép và thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo. Đó là thực hiện tốt Chương trình 30a, Chương trình 135 của Chính phủ, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạn tầng  các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa kinh tế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Cùng với đó là việc ưu đãi tín dụng, trợ giá, trợ cước; các chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo nghề giải quyết việc làm… Để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tình tập trung các nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo mọi điều kiện đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện và nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các mô hình như chăn nuôi bò, trồng màu, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, mở các điểm du lịch… Đồng thời, tỉnh cho các hộ thuộc diện nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, học nghề, đi xuất khẩu lao động. 

    Từ những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về việc Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân đến kế hoạch, chiến lược, chương trình xóa đói giảm nghèo là sự kế tục và phát triển sáng tạo của hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng trong quá trình thực hiện mục tiêu chung: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chương trình xóa đói giảm nghèo ở Sóc Trăng dưới sự lãnh đạo của các cấp, các ngành mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với những lời dặn dò trong Di chúc của Người đã và đang thu được những thành tựu to lớn. Đó thực sự là một chương trình có nhiều ý nghĩa, là động lực thúc đẩy quá trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Võ Thị Kim Huệ

Ghi chú:
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tập 15 trang 616
[2] Báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2018 Chương trình công tác giảm nghèo 2019 tỉnh Sóc Trăng.


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 113
  • Hôm nay: 5551
  • Trong tuần: 76,258
  • Tất cả: 11,799,578